“Khuyến khích nâng sóng 2G lên 4G” vì sao lại thế? Theo TGĐ VTT Cao Anh Sơn, việc chuyển dịch từ 2G lên 4G là cơ hội “rất tốt” để Viettel thực hiện khát vọng chuyển đổi số quốc gia.
Việc chuyển đổi sóng từ 2G lên 4G
Từ tháng 9 tới, mạng viễn thông 2G sẽ dừng hoạt động trên toàn quốc, chính thức khép lại công nghệ lịch sử đã đi cùng với Viettel 20 năm.
Chia sẻ với Viettel Family, đồng chí Cao Anh Sơn, TGĐ TCT Viễn thông Viettel (VTT), tin rằng chúng ta không có nhiều lợi thế so với các nhà mạng khác trong quá trình chuyển đổi 2G lên 4G, nhưng về lộ trình, Viettel vẫn đang đi đúng hướng và chắc chắn “về đích” đúng hạn.
Thưa anh, chuyển dịch từ 2G lên 4G là việc mà Viettel và các nhà mạng cùng phải làm với thời hạn là như nhau. Vậy chúng ta có lợi thế gì hơn các nhà mạng khác trong quá trình chuyển dịch này?
Thực tế, Viettel không có nhiều lợi thế hơn, thậm chí chúng ta còn khó khăn hơn so với các đối thủ. Vì trong quá trình phát triển dịch vụ thuê bao di động, Viettel có nhiều thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Các thuê bao ở khu vực này chiếm 70% lượng máy điện thoại 2G có trên thị trường.
Sau hơn một năm triển khai chuyển đổi, VTT vẫn còn khoảng 7 triệu thuê bao 2G. Với quan điểm không để khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, hoạt động chuyển dịch 2G lên 4G đã được chúng tôi chủ động triển khai sớm từ gần 2 năm qua, nhờ vậy, đã hoàn thành đối với các tập khách hàng có nhu cầu, có điều kiện chuyển đổi hoặc dễ dàng tiếp cận. Những tệp khách hàng còn lại bây giờ là khó khăn của Viettel.
Lợi ích khi nâng sóng 2G lên 4G
Tuy nhiên, theo tôi, Viettel cũng có 3 điểm khác biệt. Đầu tiên, vùng phủ 4G của chúng ta rất rộng, vượt trội so với các nhà mạng khác. Khi chuyển dịch 2G- 4G, khách hàng dễ tiếp cận sử dụng dịch vụ hơn.
Thứ hai, hoạt động truyền thông của Viettel cũng hiệu quả, duy trì xuyên suốt trong 2 năm. Chúng tôi đề xuất với Bộ, Ban, Ngành, Sở, các tỉnh để cùng vào cuộc, truyền thông các chính sách của Bộ Thông tin & Truyền thông về mốc tháng 9/2024. Dựa theo định hướng tuyên truyền của Bộ, chúng ta có tuyến truyền thông để các điểm bán, khách hàng đều biết.
Thứ ba, chúng ta có bộ máy CTV, tư vấn viên đến từng thôn, tổ. Việc truyền thông chính sách chuyển đổi từ 2G-4G cơ bản đơn giản. Đây là điểm Viettel mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp khác. Chúng ta cũng xây dựng hạ tầng, nền tảng trên Internet để khách hàng có thể chủ động cập nhật thông tin chuyển đổi, đơn giản và thuận tiện.
Còn 4 tháng nữa là đến mốc tắt mạng 2G theo quy định của Bộ TT&TT. Bài toán lớn nhất của VTT hiện nay là gì, thưa anh?
Thời gian còn lại rất ngắn. Trên thực tế, VTT phân loại tệp khách hàng có nhu cầu về data để tập trung hỗ trợ chuyển dịch trước, đảm bảo khách hàng được sử dụng dịch vụ tốt nhất và không bị ảnh hưởng. Nếu phân loại theo cách này, tệp sử dụng chỉ còn 4-5 triệu. Tệp khách hàng có nhu cầu sẽ dễ dàng tiếp cận hơn.
Phần còn lại, khoảng 2 triệu, là khách hàng ở vùng sâu, vùng xa. Khó khăn lớn nhất lúc này của VTT là tiếp cận, tư vấn được tệp khách hàng còn lại này. Đây chủ yếu là những khách hàng đang ở vùng núi, biên giới, hải đảo (~73%); người lớn tuổi (~65%) và lao động tự do (~75%) – là những đối tượng yếu thế, không dễ để tác động và thuyết phục. Đây chính là bài toán lớn nhất đặt ra cho VTT khi chuyển đổi thuê bao từ 2G lên 4G.
Làm thế nào để hỗ trợ người dân
Chúng tôi đã xây dựng nhiều chính sách, hỗ trợ, kể cả hỗ trợ máy, nhưng nhu cầu sử dụng của tệp này rất đơn giản. Họ chỉ cần đảm bảo nhu cầu nghe, gọi. VTT phải thực hiện chương trình cuốn chiếu, ưu tiên cho các khách hàng có nhu cầu trước. Chúng tôi sẽ có chính sách rất đặc biệt cho khách hàng có nhu cầu chuyển đổi vào tháng 9.
Tóm lại, cơ chế làm việc của VTT trong giai đoạn này là chia nhỏ các tệp khách hàng để có hướng tiếp cận khác nhau cho phù hợp và hiệu quả. Mục tiêu của chúng tôi là tới tháng 9, chỉ còn khoảng 5% khách hàng chưa chuyển đổi.
Ngoài ra, tại 1 số khu vực miền núi, hải đảo, vùng phủ sóng 4G chưa đạt kỳ vọng, chúng ta cũng cần tập trung nguồn lực để mở rộng vùng phủ, đảm bảo sau khi tắt sóng 2G thì vùng phủ 4G cũng phải tương đương như 2G.
VTT là đơn vị chủ lực trong chiến dịch chuyển đổi thuê bao lên 4G. Anh đánh giá bộ máy của mình vào cuộc như thế nào trong nhiệm vụ này? Có tinh thần nào anh thấy rõ nét nhất?
Chương trình chuyển đổi 2G – 4G trên thực tế không chỉ được triển khai bởi riêng VTT, mà có cả các Bộ, Ban, Ngành và các cơ quan, đơn vị trong Tập đoàn cùng tham gia. Đây là chương trình phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu là đến tháng 9/2024, mỗi người dân Việt Nam có một thiết bị kết nối được Internet.
Nếu chuyển dịch xong, Việt Nam sẽ là một trong số ít quốc gia đã chuyển dịch hoàn toàn 2G lên trên hạ tầng 4G. Với mục tiêu lớn như vậy, lãnh đạo Tập đoàn đã quán triệt tới CBNV rằng đây là bước tiến thay đổi về cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Vì thế, các CBNV của VTT đã xây dựng kế hoạch hành động, gắn thi đua với các chương trình kinh doanh cụ thể. Các chương trình thi đua của VTT xuyên suốt những năm qua đều có hình bóng của chuyển dịch 2G – 4G.
Đội ngũ thành viên của VTT từ khối phòng, ban trung tâm đến tuyến đầu ở 63 tỉnh/Tp rất nỗ lực, cố gắng. Tất cả chúng tôi đều hiểu mục tiêu chuyển dịch từ 2G lên 4G không chỉ phục vụ khách hàng đơn thuần mà còn phục vụ cho Tập đoàn, cho ngành viễn thông, phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước để đảm bảo tới năm 2030, 95% dân số Việt Nam có smartphone.
Thực tế, khi nhận nhiệm vụ sẽ phải dừng cung cấp 2G vào tháng 9/2024 tới, tôi không thể tưởng tượng nổi VTT có thể làm được kết quả như hiện nay. Lúc ấy, tỷ lệ máy 2G trên thị trường là 26%. Nhưng đến giờ chỉ còn khoảng hơn 11%. VTT đã đi một chặng đường dài với nhiều giải pháp quyết liệt. Gần đây, chúng tôi còn chặn các máy 2G quay trở lại mạng sau 2 tháng. Điều đó thể hiện quyết tâm rất cao của VTT cũng như Tập đoàn.
Tính toán theo tốc độ giảm hiện nay thì chúng ta đang đi đúng hướng. Sau mỗi quý, chúng ta giảm 1 triệu thuê bao sử dụng 2G. Tới quý 3, mục tiêu là giảm hơn 2 triệu, và chúng ta sẽ về đích, tức chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G vào tháng 9/2024.
Dự định thúc đẩy kinh doanh khi dừng sóng 2G
Khi không còn 2G nữa, có nghĩa các khách hàng đều trên hạ tầng 4G và 5G. Gần như 100% người dân Việt Nam đều có thể tiếp cận với dịch vụ Internet và tiếp cận kho tri thức của thế giới thông qua smartphone. Đấy là yếu tố quan trọng để VTT xây dựng sản phẩm, bám theo hạ tầng nền tảng 4G và 5G. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng 5G có lợi thế về tốc độ cao, độ trễ thấp, băng thông lớn,…
Dựa trên các casestudy của các nước phát triển, chúng tôi thấy rằng kinh doanh 5G cơ bản là kinh doanh nền tảng. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các dịch vụ chính như Cloud, Platform cho giới trẻ như streaming, game,…
Chúng ta chưa tạo ra nền tảng cho các nhà cung cấp nội dung (content provider) phát triển. Khi làm được điều này, chắc chắn sẽ có sự bùng nổ về nội dung với công nghệ 5G, như content về AR và VR,…
4G và 5G sẽ tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, trong đó Viettel xây dựng các nền tảng kinh doanh mới, cung cấp nội dung ngoài viễn thông truyền thống, đặc biệt với mạng 5G, là nhân tố quan trọng trong mục tiêu kiến tạo xã hội số. Viettel sẽ tiên phong và tiếp tục là nhà mạng dẫn dắt về công nghệ, đưa ra các giải pháp, dịch vụ tốt nhất đến khách hàng.
Tổng kết lại, theo cảm nhận của anh, chuyển đổi thuê bao lên 4G – khó khăn nhiều hơn hay cơ hội nhiều hơn và % tự tin thành công của VTT là bao nhiêu?
Như đã nói, khó khăn của VTT nhiều hơn các đơn vị khác. Tuy nhiên, đây là cơ hội rất tốt để VTT chuyển dịch theo định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ và Tập đoàn. Định hướng ấy tạo ra nền tảng, lợi thế để VTT tiếp tục phát triển sang chu kỳ mới khi các dịch vụ gọi và SMS thoái trào.
Thay vì nhìn vào khó khăn hay thuận lợi, tôi muốn nhìn vào cơ hội của Viettel. Chúng ta đang nắm cơ hội, đi đúng hướng và sẽ quyết tâm giữ cơ hội này. Với lộ trình đặt ra từ đầu 2023, VTT chắc chắn đạt được mục tiêu.
Nguồn: Viettel Family
Việc khuyến khích người dân nâng sóng 2G lên 4G là điều hoàn toàn cần thiết và để hiểu hơn về quyền lợi khi tắt sóng 2G thì hãy truy cập “Tắt sóng 2G: Lợi ích của khách hàng”