Thị trường thương mại điện tử trong tỉnh đang thúc đẩy phát triển kinh tế, những thành quả bước đầu đã thu hút thêm nhiều đơn vị, cơ sở mạnh dạn tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Kết quả nổi bật
Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương), tại Bình Định đang có 111 đơn vị thông tin bán hàng trên website thương mại điện tử (TMĐT), 6 đơn vị đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT, 196 tài khoản thương nhân, 100% DN kết nối internet và sử dụng email thường xuyên. Nhờ vậy, chỉ số TMĐT của tỉnh thường xuyên được xếp ở mức khá. Theo báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2024 vừa được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố, EBI của tỉnh xếp thứ 26 cả nước. Đây là chỉ số được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa DN với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch TMĐT giữa DN với DN (B2B).Theo ông Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), nhận thức của DN về lợi ích của việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, thị trường TMĐT đã sôi động hơn và người dân dễ dàng ứng dụng công nghệ số để mua hàng trực tuyến thông qua các phương tiện điện tử. Mua sắm online, đặc biệt là mua hàng qua các sàn TMĐT trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, góp phần thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển.
Giờ đây, TMÐT là một trong những kênh bán hàng hữu hiệu cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa. Công ty TNHH MTV ViTa (huyện Tây Sơn) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, công ty đã xây dựng website TMĐT để cập nhật, giới thiệu các dòng sản phẩm chủ lực. Nhờ đó, đơn vị tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Ông Ðặng Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vita (VIDATA), bộc bạch: Năm 2022, công ty thiết lập website https://vidata.com.vn để giới thiệu các dòng sản phẩm thực phẩm từ rau củ (bánh canh, bánh hỏi). Ngoài ra, đơn vị còn quảng bá sản phẩm trên các kênh bán hàng, mạng xã hội khác, như: Shopee, Lazada, Facebook, Tiktok. Nhờ đó, sản phẩm bán ra thị trường và doanh thu của công ty tăng theo từng năm; trong đó năm 2023, sản lượng sản phẩm bán ra đạt 7 tấn, đem về doanh thu 700 triệu đồng; năm 2024 dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng 9 tấn, đạt doanh thu 900 triệu đồng.
Tiếp tục thúc đẩy
Theo Sở Công Thương, nhận thức của DN về tầm quan trọng, lợi ích của việc ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày được chú trọng. Tuy nhiên, mức đầu tư đổi mới, sáng tạo để duy trì thường xuyên các hoạt động kinh doanh thông qua các kênh TMĐT chuyên nghiệp, kinh nghiệm ứng dụng TMĐT của nhiều DN còn hạn chế, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được rao bán trên các sàn TMĐT hoặc website mua bán trực tuyến, dẫn đến khách hàng khi thực hiện việc mua bán, thanh toán còn e ngại khi sử dụng phương thức giao dịch hiện đại vì sợ rủi ro; giao dịch trong khâu thanh toán, đặt hàng và nhận hàng có chỗ chưa hợp lý.
“Tuy còn những tồn tại, hạn chế nhưng phát triển TMĐT trong kinh doanh thay thế dần cho phương thức mua bán trực tiếp đang là xu thế tất yếu trong xã hội hiện đại. Vì vậy, thời gian đến, các DN cần đẩy nhanh ứng dụng TMĐT, bởi đây là cơ hội kinh doanh cho thấy tiềm năng mở rộng thị phần rất lớn”, ông Tây khuyến nghị.
Để thúc đẩy phát triển TMĐT, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4157 về phát triển TMĐT tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến. Doanh số TMĐT B2C tăng 25% năm. Thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 35%. 50% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử. 80% website TMĐT của DN có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến. Có 40 – 50% DN nhỏ và vừa hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, gồm các mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT…
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng chia sẻ, để đẩy mạnh phát triển TMĐT, thời gian tới, ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan và địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò cũng như lợi ích của TMĐT đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; phổ biến kỹ năng ứng dụng TMĐT; hỗ trợ các DN, HTX tham gia hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện của từng đơn vị. Bên cạnh đó, cần đầu tư cải thiện hạ tầng kỹ thuật và công nghệ để tăng cường khả năng tiếp cận internet và giao dịch trực tuyến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo về TMĐT cho DN, người dân để tăng cường kiến thức, kỹ năng về TMĐT cho DN và người tiêu dùng cũng cần được tính đến. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh chương trình giáo dục – đào tạo về TMĐT, để đáp ứng được nhu cầu về nhân lực TMĐT hiện nay và thời gian tới.
Nguồn: Bình Định Online
Kinh tế đang càng có đà phát triển và ngành nắm giữ chìa khóa quan trọng nhất là ngành nào thì cùng đọc bài viết này nhé: Thị trường ngành nào đang có đà phát triển.