Đẩy mạnh 5g: Phát triển các ngành kinh tế


Dịch vụ 5G không chỉ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mà còn được dự đoán sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng suất lao động trong tất cả lĩnh vực, cũng như đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tại Việt Nam, mạng 5G đang được các nhà mạng triển khai hạ tầng và chuẩn bị sẵn sàng các mô hình kinh doanh rộng khắp toàn quốc.

Đột phá cho sự tăng trưởng 

Theo dự báo của nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới Qualcomm (Hoa Kỳ), 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.100 tỷ USD và tạo ra 22,8 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2035. Thế hệ mạng di động này cũng sẽ có sức ảnh hưởng rộng lớn đến rất nhiều ngành, lĩnh vực, từ sản xuất đến giao thông – vận tải, y tế, nông nghiệp, giáo dục và những giải pháp thành phố thông minh. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 5G dự kiến tạo giá trị kinh tế khoảng 113 tỷ USD vào năm 2030.

Còn dự báo được Tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc) công bố đầu năm 2024 cho biết, tính đến hết năm 2023, có hơn 300 mạng 5G thương mại đã được triển khai trên thế giới. 5G đang phát triển quy mô người dùng toàn cầu cao gấp 7 lần so với 4G cùng thời kỳ, đạt 1,5 tỷ người. Theo Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Chủ tịch nhóm kinh doanh – dịch vụ ICT của Huawei Li Peng, các nhà mạng có thể kinh doanh thành công với 5G, cũng như công nghệ 5,5G sẽ tiếp tục mở khóa tiềm năng, tạo ra những cơ hội tăng trưởng mới.

Theo ghi nhận, chỉ sau 5 năm kể từ khi bắt đầu thương mại hóa (năm 2019), đã có hơn 1,5 tỷ người dùng mạng 5G, trong khi để có con số này, 4G phải mất tới 9 năm. Hiện tại, 20% thuê bao di động trên thế giới đang sử dụng 5G, tạo ra 30% tổng lưu lượng truy cập di động và đóng góp tới 40% doanh thu dịch vụ di động. Bên cạnh đó, công nghệ 5,5G sẽ tiếp tục thương mại hóa và kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud) để khai phá tiềm năng của những ứng dụng mới.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, đến năm 2025, 5G đóng góp khoảng 7,34% vào tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong định hướng phát triển dịch vụ 5G, nhà mạng chọn hướng kinh doanh cho doanh nghiệp, các ngành kinh tế là chính; cũng như sẽ có sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên công nghệ 5G cung cấp cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đánh giá, 403 khu công nghiệp (dự báo 558 khu công nghiệp vào năm 2030), 5.000 điểm khai thác mỏ (với khoảng 1.100 doanh nghiệp), 34 cảng biển, 22 sân bay (10 sân bay quốc tế) là cơ hội để các doanh nghiệp tập trung cung cấp dịch vụ 5G. Viettel xác định triển khai sớm nhất các giải pháp cung cấp hạ tầng kết nối, công nghệ thông tin trên công nghệ 5G.

5G được tập trung trong sản xuất 

Với kinh nghiệm của nhà cung cấp công nghệ toàn cầu, Phó Chủ tịch cấp cao của Huawei Li Peng chia sẻ, 5G được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp tại Trung Quốc với giải pháp mạng riêng 5G (5G Private). Mạng 5G dùng riêng đã được thương mại tại hơn 50.000 doanh nghiệp thuộc hơn 50 ngành công nghiệp… tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, các ứng dụng AI tạo sinh trong những chiếc điện thoại di động sẽ tiêu thụ hàng trăm tỷ GB dữ liệu, tạo ra vô số cơ hội tăng trưởng mới cho các nhà mạng.

Về định hướng phát triển dịch vụ 5G phục vụ kinh tế, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là thúc đẩy triển khai ứng dụng 5G trong các ngành là yếu tố quan trọng. Các doanh nghiệp viễn thông là nòng cốt, chủ động sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số các ngành và lĩnh vực.

Để chuẩn bị cho nhiệm vụ này, từ đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 5G cho các doanh nghiệp; trong năm 2024 sẽ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy, thương mại hóa 5G trên toàn quốc. Cơ quan quản lý đã đấu giá thành công hai khối băng tần B1 (2.500-2.600MHz) và C2 (3.700-3.800MHz) vào tháng 3-2024; cấp giấy phép kinh doanh 5G cho 2 nhà mạng trúng đấu giá là Viettel và Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) tháng 4-2024 và hiện đang đấu giá khối băng tần C3 (3.800-3.900MHz)…

Thông tin cụ thể về định hướng triển khai 5G, đại diện Viettel cho biết, Viettel đã phát sóng thử nghiệm 5G tại 61 tỉnh, thành phố. Hiện doanh nghiệp đang triển khai hạ tầng để chính thức cung cấp dịch vụ 5G tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, mạng 5G tập trung cung cấp cho nhà máy, khu công nghiệp, cảng biển. Viettel sẽ đưa ra các giải pháp thông minh hóa trong công nghiệp, với các ứng dụng thực tế ảo/thực tế tăng cường; quản trị thông minh, điện toán đám mây, quản lý dây chuyền.

Đại diện Viettel cũng cho biết, dịch vụ mạng 5G dùng riêng có thể triển khai theo nhiều mô hình linh hoạt, tùy theo yêu cầu của khách hàng, như các yêu cầu về bảo mật, tối ưu chi phí. Đồng thời, Viettel cũng đưa ra 3 mô hình mạng 5G dùng riêng để cung cấp cho các ngành kinh tế, gồm: Giải pháp mạng 5G dùng riêng triển khai trên cơ sở mạng công cộng cung cấp cho khu vực cảng biển, sân bay, hầm mỏ; mạng 5G dùng riêng triển khai độc lập tại các nhà máy thông minh và mạng 5G dùng riêng kết hợp tại các khu phức hợp.

Về chi phí triển khai mạng 5G dùng riêng, từ nghiên cứu tại nhà máy thông minh, Viettel cho biết, chi phí cho hạ tầng kết nối của nhà máy thông minh có thể tiết kiệm tới 22% so với giải pháp mạng riêng trên wifi truyền thống. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm 50% chi phí vật tư tiêu hao và nhân công lắp đặt; giảm 30% chi phí di chuyển, đào tạo cho nhân viên…

Nguồn: baothainguyen.vn

Để biết được 5G giúp được gì trong sản xuất bạn có thể tham khảo bài viết: 5G giúp ích cho người dân 


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *