Hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) của Viettel được thiết kế để cá nhân hóa gói cước, tùy nhu cầu tiêu dùng và khả năng chi trả của khách hàng.
Những điểm nổi trội
Tính tới khi phiên bản vOCS đầu tiên ra đời năm 2011, Viettel đã có hơn 7 năm đi thuê hệ thống tính cước từ các đối tác hàng đầu thế giới. Nhiều hạn chế về khả năng cung cấp dịch vụ khi sử dụng hệ thống đi thuê đã khiến doanh nghiệp có ý nghĩa táo bạo: tự làm.
“Thời điểm đó, anh Tống Viết Trung, Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói ‘phải tự làm thôi, phụ thuộc đối tác như thế này thì giống như bị trói chân, trói tay”, ông Nguyễn Văn Vinh, thành viên lớn tuổi nhất trong đội ngũ xây dựng vOCS thời kỳ đầu, nhớ lại.
OCS là hệ thống làm nhiệm vụ theo dõi sử dụng và tính phí. Do đó, phạm vi các gói cước, sản phẩm dịch vụ mà nhà khai thác viễn thông có thể cung cấp đến người dùng phụ thuộc vào việc nhà cung cấp OCS có hỗ trợ dịch vụ đó hay không. Đơn cử, với vOCS, người dùng có thể mua gói cước khoảnh khắc là hai tiếng để xem phim, vào mạng khi có nhu cầu tạm thời, đây là điều không thể thực hiện với các hệ thống cũ.
Chỉ với 20 thành viên, những người Viettel bắt tay và phát triển OCS của riêng mình. Điều này đặc biệt hơn khi thời điểm đó, trên thế giới hiện có 3 nhà cung cấp lớn nhất sở hữu OCS và cung cấp cho tất cả nhà mạng. Họ sở hữu đội ngũ kỹ sư dày dạn kinh nghiệm cũng như số lượng cũng nhiều gấp hàng chục lần. “Trong khi đối tác cho biết cần 2.000 kỹ sư và phát triển ròng rã suốt 4 năm, người Viettel sẵn sàng thử thách với 20 người”, ông Nguyễn Văn Vinh nói.
Xác định tự phát triển hệ thống OCS theo tiêu chí “nhóm nhỏ làm việc lớn”, các thành viên trong nhóm đồng thời kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, làm việc bất kể ngày đêm. Các thành viên sẵn sàng thử nghiệm rồi làm lại khi không thành công. Quá trình này kéo dài tới mức “những người thực hiện cũng chẳng nhớ nổi họ đã bao nhiêu lần thử nghiệm bất thành”.
Đến tháng 4/2017, vOCS 3.0 được triển khai thành công với 90 triệu thuê bao. Hiện hệ thống được coi là “trái tim của nhà mạng” này đã được Viettel triển khai tại 9 quốc gia với số lượng thuê bao quản lý là 150 triệu, một trong những hệ thống OCS đáp ứng dung lượng lớn nhất toàn cầu và tính năng đặc biệt.
Đại diện Viettel cho biết, hệ thống mới giúp tập đoàn tiết kiệm hơn 70 triệu USD chi phí đầu tư. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là hệ thống có khả năng cá thể hóa tạo ra bước ngoặt với lợi ích của người dùng, cho phép xây dựng các gói cước đáp ứng nhu cầu người có hoàn cảnh khó khăn, vùng xa xôi hẻo lánh với chi phí từ 10.000 đồng một tháng, hay giúp người dân tìm được gói cước phù hợp với điều kiện kinh tế và nhu cầu bản thân.
Với những thành tựu đó, vOCS của Viettel giành giải Vàng Kinh doanh quốc tế tại London năm 2018. Từ năm 2017, Viettel cũng trở thành một trong những nhà sản xuất OCS lớn nhất toàn cầu. Công nghệ của Viettel cũng đã được Mỹ cấp bằng sáng chế và bảo vệ độc quyền 18 năm, được xuất khẩu đến nhiều thị trường mà tập đoàn kinh doanh.
Song song, vOCS liên tục được cải tiến để tiếp tục là trọng tâm trong hành trình phổ cập các dịch vụ số đến người dân. Năm 2023, vOCS phiên bản thứ tư (vOCS4.0), đáp ứng thế hệ di động 5G sắp được triển khai diện rộng và các dịch vụ số thế hệ mới, đã được đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới Viettel với 2 triệu thuê bao.
“Viettel tiếp tục kiên định mục tiêu luôn sáng tạo vì con người, khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Viettel, phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 35 năm thành lập tập đoàn, ngày 31/5 vừa qua.
Nguồn: VNEXPRESS
Các bạn muốn tham khảo thêm tin tức mới truy cập: Tin Tức Mới để xem được những tin tức hot nhất